Cải bắp (bắp cải) và 4 bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, ho, tiểu đường hiệu quả
Nội dung chính
Cải bắp hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ngăn ngừa ung thư, kiểm soát cân nặng và tăng cường hoạt động tiêu hóa. Với nhiều lợi ích đối với sức khỏe, cải bắp không chỉ được sử dụng để chế biến món ăn và còn được tận dụng để chữa trị các bệnh lý thường gặp như đau xương khớp, ho, viêm họng,…
Tên gọi khác: Bắp cải, Bắp sú, Người Pháp gọi nó là Su (Chon) nên từ đó có những tên là Sú, hoặc các thứ gần gũi với Cải bắp như Su hào, Súp lơ, Su bisen.
Tên khoa học: Brassica oleracea L. var. capitata L
Họ: Cải (Brassicaceae)
Thông tin, mô tả cây cải bắp
1. Đặc điểm thực vật
Cải bắp là một loại rau ăn quen thuộc của người Việt Nam đồng thời cũng là một cây thuốc quý mà không phải ai cũng biết. Cây thảo có thân to và cứng, mang vết sẹo của những lá đã rụng. Lá xếp ốp vào nhau thành đầu, phiến lá màu lục nhạt hay mốc mốc và có một lớp sáp mỏng, có những lá rộng với một thuỳ ở ngọn lớn, lượn sóng. Vào năm thứ hai cây ra hoa. Chùm hoa ở ngọn mang hoa màu vàng có 4 lá đài, 4 cánh hoa, cao 1,5-2,5cm, 6 nhị với 4 dài, 2 ngắn. Quả hạp có mỏ, dài tất cả cỡ 10cm, chia 2 ngăn; hạt nhỏ cỡ 1,5mm.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Là loài rau ôn đới gốc ở Địa Trung Hải được nhập vào trồng ở nước ta làm rau ăn. Thông thường có 3 loại hình. Cải bắp bánh dày, tròn và nhọn. Cải bắp cuốn là cây ưa nắng, không chịu bóng râm, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhiệt độ trên 25oC không thích hợp, nhiệt độ cao liên tục sẽ làm rễ yếu, cây giống ra hoa dị dạng. Việt Nam, cải bắp được trồng ở miền Bắc vào mùa đông làm rau ăn lá quan trọng trong vụ này; cũng được trồng ở Cao Nguyên miền Trung như ở Đà Lạt; còn ở Nam Bộ, trong những năm sau này, do cải tiến về giống nên Cải bắp được trồng khá nhiều và bà con quen gọi là Cải nồi.
Bộ phận dùng: Thân cây trên mặt đất – Herba Brassiae Oleraceae.
Thu hái: Cải bắp có 4 thời kỳ sinh trưởng: cây non 5-6 lá trong 22-30 ngày, hồi xanh tăng trưởng 2 ngày; trải lá cuốn bắp 20-25 ngày, cần nhiều nước và phân; thời kỳ cuốn đến khi thu hoạch 10-15 ngày.
Chế biến: Dùng tươi hoặc chế biến thức ăn
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Cải bắp có vị ngọt, tính mát.
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
Trong cải bắp có 90% nước, 1,8% protit, 5,4% gluxit, 1,6% xenluloza, 1,2% tro. Hàm lượng muối khoáng gồm 48mg% canxi, 31mg% P, 1,1mgFe. Không thấy có caroten nhưng có 30mg% vitamin C, 0,04mg% vitamin PP, 0,06mg% vitamin B1, 0,05mg% vitamin B2. Như trên đã nói, năm 1948, Cheney đã phát hiện trong cải bắp cho chất chống loét hay vitamin U là một muối của metyl methionin sunfonium:
Một số nước Âu Mỹ và Trung Quốc đã tổng hợp muối metyl methionin sunfonium (ví dụ Trung Quốc chế chất metyl methionin sunfonium iodua) những cũng gọi là vitamin U.
Tuy nhiên theo Mirakami (1956) thì những chất tổng hợp chưa hẳn đã giống chất vitamin U thực có trong nước bắp cải và nước một số rau quả như xà lách, rau muống, su hào (Brassica oleracea L. var.caulorapa) cải, chuối…hàm lượng vitamin U thay đổi tùy theo loại rau, cách trồng trọt, thu hái và bảo quản.
Vitamin U không bền vững, dễ oxy hóa, bị hủy ở nhiệt độ cao, tan trong nước, chịu được lạnh và có thể sấy khô.
Tác dụng dược lý của cây cải bắp
Nước ép rau tươi (xà lách, rau muống, su hào, cải bắp, chuối…)có tác dụng giúp đỡ, kích thích khá mạnh sự tái tạo của tế bào ổ loét và do đó làm lành được các ổ loét đó.
Năm 1958, Viện quân y 108 (Hà Nội) có làm một số thực nghiệm chứng minh rằng nước ép hoa quả, nước ngũ cốc có tác dụng làm giảm và điều hòa sự co bóp của dạ dày.
Trên những cơ sở nghiên cứu ấy, hiện nay tại nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nước ép cải bắp dưới nhiều hình thức để điều trị các bệnh loét dạ dày, tá tràng, viêm dạ dầy, ruột, đau đường mật, viêm đại tràng…thu được kết quả tốt.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây bắp cải
1. Cây bắp cải giúp giảm đau nhức xương khớp
Ép bắp cải lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức do thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh tọa.
2. Bài thuốc chữa đau khớp, nhức tay chân, nổi hạch từ cây cải bắp
Cây lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3 – 4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi cột lại.
3. Cây cải bắp chữa ho nhiều đờm
Dùng 80 – 100g bắp cải, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống. Nước ép cải bắp có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khản tiếng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ngoài da. Đắp bắp cải ngoài da có thể chữa mụn nhọt và vết sâu bọ đốt.
4. Bài thuốc chữa đái tháo đường
Cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100g hàng ngày giúp phòng và trị bệnh đái tháo đường type 2.
Lưu ý khi dùng cây cải bắp chữa bệnh
Rau cải bắp là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên sử dụng cải bắp không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ và một số tình huống rủi ro.
Vì vậy trước khi bổ sung loại rau này vào chế độ ăn, bạn nên chú ý những thông tin sau:
Cân nhắc trước khi bổ sung cải bắp nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
Ăn quá nhiều bắp cải có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, tiêu chảy, hạ đường huyết,
Không sơ chế bắp cải đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
Một số thành phần trong bắp cải có thể can thiệp vào quá trình sản sinh hormone tuyến giáp. Nếu bạn bị suy giáp, hãy chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn.
Với người tạng hàn, nên dùng bắp cải kết hợp với gừng tươi.
Goitrin trong cải bắp có thể gây bướu cổ. Do đó nên thận trọng khi dùng cho người bị rối loạn tuyến giáp.
Bắp cải làm tăng lượng natri bài tiết qua nước tiểu. Vì vậy không nên bổ sung loại thực phẩm này cho người bị suy thận nặng hoặc đang chạy thận nhân tạo.
Nên kết hợp bắp cải với những loại rau củ khác nhằm đa dạng thành phần dinh dưỡng và tác động toàn diện đến sức khỏe tổng thể.
Bài viết đã tổng hợp một số công dụng của cải bắp, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng. Hy vọng qua thông tin trên, bạn có thể hiểu hơn về tác dụng của bắp cải và sử dụng loại thực phẩm này một cách hiệu quả nhất.
Xem thêm: Cây thanh long và 2 bài thuốc chữa đinh nhọt, lao hạch, viêm phế quản hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!