Cây lạc (đậu phộng) và công dụng đối với bệnh tim mạch, huyết áp, sỏi mật… hiệu quả
Nội dung chính
Cây lạc cho loại hạt là thực phẩm ngon bổ, quen thuộc với người dân Việt Nam. Không chỉ thế đậu phộng còn là một thực phẩm thuốc rất có lợi cho sức khỏe, nhất là hệ tim mạch.
Tên gọi khác: Đậu phộng, đậu phụng, lạc hoa sinh
Tên khoa học: Arachis Hypogaea
Họ: Đậu (Fabacaea)
Thông tin, mô tả cây lạc
1. Đặc điểm thực vật
Đậu phộng (cây lạc) là cây thân thảo đứng, sống hằng niên.
– Thân cây lạc: Thân phân nhánh từ gốc, có các cành toả ra, cao 30-100 cm tùy theo giống và điều kiện trồng trọt.
– Rễ cây lạc: Rễ cọc, có nhiều rể phụ, rể cộng sinh với vi khuẩn tạo thành nốt sần.
– Lá cây lạc: Lá kép mọc đối, kép hình lông chim với bốn lá chét, kích thước lá chét dài 4-7 cm và rộng 1-3 cm. Lá kèm 2, làm thành bẹ bao quanh thân, hình dải nhọn.
– Hoa cây lạc: Cụm hoa chùm ở nách, gồm 2-4 hoa nhỏ, màu vàng. Dạng hoa đậu điển hình màu vàng có điểm gân đỏ, cuống hoa dài 2-4 cm.
– Quả (củ) lạc: Sau khi thụ phấn, cuống hoa dài ra, làm cho nó uốn cong cho đến khi quả chạm mặt đất, phát triển thành một dạng quả đậu (củ) trong đất dài 3-7 cm, mỗi quả chứa 1-4 hạt và thường có 2 hạt. Quả hình trụ thuôn, không chia đôi, thon lại giữa các hạt, có vân mạng.
– Hạt lạc: Quả chứa từ 1 đến 4 hạt, thường là 2 hạt, hạt hình trứng, có rãnh dọc. Hạt chứa dầu lên đến 50
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Cây lạc là một loài cây thực phẩm thuộc họ Đậu có nguồn gốc tại Trung và Nam Mỹ. Châu á đứng hàng đầu về diện tích trồng cây lạc (đậu phộng), Việt Nam có diện tích xếp thứ 5 trong tổng 25 nước châu á trồng lạc.
Bộ phận dùng: Toàn thân
Thu hái: Quanh năm
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Lạc có vị béo
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
Bảo quản: Trong lọ hoặc túi bóng kín, để nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
– Chất béo trong lạc: Lạc có hàm lượng chất béo cao
Lượng chất béo nằm trong khoảng 44-56% và chất béo chủ yếu ở dạng đơn và đa chức, hầu hết trong đó là acid oleic (40-60%) và acid linoleic.
– Protein lạc: Lạc là một nguồn giàu protein.
– Protein chiếm khoảng 22-30% lượng calo, do đó lạc là một nguồn protein thực vật phong phú. Loại protein chiếm nhiều nhất trong lạc là arachin và conarachin, có thể gây dị ứng trầm trọng ở một số người, là nguyên nhân gây ra các phản ứng đe dọa tính mạng.
– Tinh bột: Lạc chứa ít tinh bột. Tinh bột chỉ chiếm 13-16% trong tổng lượng.
– Vitamin và chất khoáng:
Lạc là một nguồn có nhiều vitamin và khoáng chất phong phú, bao gồm: Biotin, đồng, niacin, folate, manga, vitamin E, thiamin, phospho và magie.
– Các thành phần khác
Lạc chứa nhiều loại hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học và các chất chống oxy hóa.
Hầu hết các chất chống oxy hóa tập trung trên lớp vỏ lụa lạc (đậu phộng) hiếm khi được ăn, trừ khi ăn lạc tươi.
Lạc chứa nhiều loại hợp chất thực vật, bao gồm các chất chống oxy hóa như acid coumaric và resveratrol, cũng như các chất phản dinh dưỡng như acid phytic.
Công dụng của cây lạc đối với sức khỏe
1. Công dụng của hạt lạc
Hạt đậu phộng từ lâu đã được biết đến với giá trị dinh dưỡng lẫn công dụng điều trị bệnh. Theo đó, ăn đậu phộng giúp hỗ trợ tuần hoàn máu, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, sỏi mật, giúp tóc khỏe và chống suy giảm trí nhớ…
Kết quả thử nghiệm cho thấy ăn đậu phộng còn giúp tăng cường khả năng kháng viêm, chống ung thư, chống oxi hóa, làm giảm mỡ máu, đồng thời cải thiện và làm tăng mức độ HDL Cholesterol – loại chất béo tốt giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
2. Công dụng của lá, thân và vỏ quả đậu phộng
Nghiên cứu chiết xuất từ lá và thân cây đậu phộng cho thấy tác dụng an thần nhẹ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Bên cạnh đó, chiết xuất methanol từ lá đậu phộng còn giúp ngăn chặn sự phát triển của chứng phù chân và ức chế kết tập tiểu cầu.
Đối với vỏ quả đậu phộng, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất của nó có khả năng chống lại các vi khuẩn như Acinetobacter baumannii, Staphylococcus aureus (gây các bệnh về nhiễm trùng), Klebsiella pneumonia (gây viêm phổi), Escherichia coli (gây ngộ độc thực phẩm và bệnh đường ruột)… và làm giảm sự hấp thu chất béo của cơ thể.
3. Công dụng của mầm và rễ cây đậu phộng
Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ mầm của hạt đậu phộng có tiềm năng trong phòng ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Đồng thời, nghiên cứu chiết xuất từ rễ cây đậu phộng cũng cho thấy khả năng chống oxy hóa mạnh (do có chứa một hợp chất polyphenolic tự nhiên là resveratrol).
4. Công dụng của dầu đậu phộng
Dầu đậu phộng được làm từ hạt đậu phộng được sử dụng để làm giảm sự thèm ăn, ngăn ngừa ung thư hoặc được bôi trực tiếp lên da giúp giảm tình trạng da khô, chàm hoặc vảy trên da đầu… Bên cạnh đó, dầu đậu phộng còn được ứng dụng trong thuốc mỡ và dầu thuốc để điều trị táo bón.
Ngoài ra, nó cũng được sử dụng nhằm làm giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim. Tuy nhiên, khi nghiên cứu trên động vật, dầu đậu phộng lại gây tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Lưu ý khi dùng cây lạc
Liều lượng: không nên ăn đậu phộng quá nhiều vì sẽ gây nóng trong người.
Dị ứng: đối với những người mắc chứng dị ứng với đậu phộng (peanut allergy) sẽ có các biểu hiện như sưng, mẩn ngứa, đau bụng, tiêu chảy, nghẹt mũi, khó thở, hôn mê… và thậm chí tử vong. Theo trang stuartxchange.org, kết quả điều tra cho thấy trong số 32 trường hợp dị ứng thực phẩm liên quan đến sốc phản vệ được báo cáo từ năm 1994 đến 1999 thì có đến 67% nạn nhân đã chết vì phản ứng phản vệ với đậu phộng (ngay ở liều rất nhỏ chỉ từ 0,1 đến 1mg cũng có thể gây ra phản ứng phản vệ trên toàn thân). Tỉ lệ dị ứng đậu phộng cũng được báo cáo là 0.5 % trong dân số, chiếm 10 – 47 % các phản ứng phản vệ do thực phẩm gây ra.
Đối tượng: đậu phộng chứa nhiều chất béo nên những người đang muốn giảm cân, người bị yếu đường ruột, đau dạ dày, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, bị gout và những người bị bệnh về mật hay đã cắt túi mật không nên dùng.
Chất lượng: không nên ăn đậu phộng bị hư hỏng vì có thể gây quái thai hoặc ung thư. Bên cạnh đó, hạt đậu phộng dễ bị nhiễm aflatoxin (AF) – chất gây chảy máu, nôn mửa, hư thai, dị tật, tiêu chảy, tổn thương gan, hội chứng Reye (sưng phù ở gan và não)… và thậm chí là tử vong.
Xem thêm: Cây me và 7 bài thuốc chữa táo bón, tẩy giun, ho, chảy máu chân răng, sốt… hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!