Cây mộc hoa trắng (mức hoa trắng) và 2 bài thuốc chữa đại tràng, lỵ hiểu quả
Nội dung chính
Cây mộc hoa trắng hay còn được gọi với nhiều tên khác như mức hoa trắng, thừng mực lá to, mức lá to, mộc vài. Đây là thảo dược quý được sử dụng nhiều trong Đông y. Cây thuốc này có thể dùng chữa lỵ amip hoặc bệnh về đại tràng.
Tên gọi khác: Mức hoa trắng, Thừng mực lá to, Mức lá to, Mộc vài
Tên khoa học: Holarrhena antidysenteria wall
Họ: Trúc đào (Apocynaceae)
Thông tin, mô tả cây mộc hoa trắng
1. Đặc điểm thực vật
Mộc hoa trắng là một cây thuốc nam quý, cây to hay nhỏ còn phụ thuộc vào nơi sinh sống, có thể cao tới khoảng 12m. Cành non nhẵn hoặc có mang lông tơ màu nâu đỏ, trên bề mặt có chứa nhiều bì khổng trắng rõ. Phần sẹo lá còn sót lại sẽ nổi hẳn lên.
Lá mọc đối và gần như không có cuống cũng không có lá kèm, hình bầu dục, cả phần đầu và đáy đều có thể tròn hoặc nhọn. Chiều dài lá khoảng 12 – 15cm, còn rộng khoảng từ 4 – 8cm, mặt lá bóng có màu xanh lục nhạt.
Hoa có màu trắng, mọc thành xim hình ngù ở đầu cành hoặc kẽ lá. Mùa hoa ở vào khoảng tháng 3 – 7. Quả màu nâu có vân dọc hơi hình cung dài khoảng 15 – 30cm và rộng chỉ từ 5 – 7mm. Mùa quả khoảng từ tháng 6 – 12.
Trong quả chứa nhiều hạt dài 10 – 20mm, rộng khoảng 2,5mm và dày khoảng 1 – 1,5mm màu nâu nhạt. Đáy hạt tròn với phần đầu hơi hẹp lõm một mặt và trên mặt còn có một đường màu trắng hơi nhạt. Chùm lông của hạt dài 2 – 4,5cm có màu hơi hung.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Dược liệu được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia hay Miễn Điện… Riêng ở nước ta, cây mọc hoang khắp nơi. Điển hình nhất là các tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Bộ phận dùng: Hạt và vỏ thân là 2 bộ phận chính của cây được sử dụng để làm vị thuốc.
Thu hái và sơ chế: Thời điểm thu hái dược liệu thích hợp nhất là vào mùa thu đông khi quả đã chín già. Có thể dùng cả ở dạng tươi hay đem đi phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị, quy kinh: Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.
Bảo quản: Trường hợp dược liệu đã được sơ chế khô thì cần bảo quản trong túi kín và để những nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu mộc hoa trắng phát hiện có các thành phần sau: Conesin, Ancaloit, Isoconesimin, Norconesin, Conesinidin, Conkurchin, Holarhenin
Tác dụng dược lý của cây mộc hoa trắng
Theo y học cổ truyền:
- Chữa kiết lỵ
- Ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm đại tràng
- Chữa lỵ amip
- Tăng cường chức năng tiêu hóa
Theo y học hiện đại:
- Thành phần conesin trong dược liệu có khả năng diệt giun, đồng thời có tác dụng với cả kén và amip.
- Chất conesin có trong dược liệu rất ít độc. Khi sử dụng với liều cao sẽ có tác dụng gần giống với morphine. Bao gồm kích thích sự co bóp ở ruột và tử cung, làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp…
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây mộc hoa trắng
1. Bài thuốc chữa viêm đại tràng từ cây mức hoa trắng
Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị vỏ cây mộc hoa trắng với lượng tùy ý. Đem đi tán thành bột mịn. Mỗi ngày dùng 10g sắc chung với nước để uống khi còn ấm.
Bài thuốc 2: Cần chuẩn bị phần hạt của mộc hoa trắng. Cũng đem tán dược liệu thành bột rồi mỗi ngày lấy khoảng 10 -15g sắc lấy nước uống trong ngày. Mỗi ngày có thể uống nhiều lần và cần duy trì trong thời gian dài.
2. Bài thuốc chữa kiết lỵ từ cây mức lá to
Chuẩn bị: Phần vỏ cây mộc hoa trắng với lượng tùy ý.
Thực hiện: Đem phơi khô dược liệu rồi đi tán thành bột mịn. Có thể sắc với nước hoặc hòa với nước sôi ấm uống mỗi ngày 10 – 15g. Dùng liên tục và đều đặn đến khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm.
Lưu ý khi sử dụng mộc hoa trắng để chữa bệnh
- Mộc hoa trắng là dược liệu dễ sử dụng với dược tính khá cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì việc sử dụng dược liệu này sẽ không được khuyến nghị:
- Hết sức thận trọng khi sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Tránh dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho bé bú nếu bác sĩ chưa cho chép.
Trên đây là những thông tin và bài thuốc chữa bệnh về cây mộc hoa trắng. Có thể thấy, cây mang đến tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả, tuy nhiên những thông tin này chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi sử dụng dược liệu này để làm vị thuốc, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ để dự phòng rủi ro phát sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!