Cây quýt (trần bì) và 4 bài thuốc chữa bệnh tiêu hóa, đau bụng, tiêu hóa kém, ho, đờm hiệu quả
Nội dung chính
Cây quýt được biết đến là một loại cây ăn trái rất quen thuộc. Tuy nhiên, ít người biết rằng, vỏ của quả quýt còn được dùng để chữa bệnh với vị thuốc tên là trần bì. Từ lâu, trần bì được biết đến là vị thuốc chữa các bệnh về đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu hóa kém, ho, đờm
Tên gọi khác: Quyết, hoàng quyết, trần bì, thanh bì, Quất thực
Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco., Citrus deliciusae Tenore., Citrus nobilis var.deliciosa Swigle
Họ: Cam (Rutaceae)
Thông tin, mô tả cây quýt
1. Đặc điểm thực vật
Quýt là một cây nhỡ, có thể cao từ 5-8m, cành cứng, không có gai hoặc có gai ngắn. Lá mọc so le, đơn, nguyên hoặc hơi khía tai bèo, dài, hình trái xoan, gốc thuôc, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt có gân nổi rõ, cuống lá ngắn, hơi có cánh.
Hoa nhỏ màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Lá bắc nhỏ, hình vảy, có lông ở mép. Đài hoa có 5 răng hình trái xoan, có mũi nhọn, gần dính nhau. Tràng có 5 cánh thuôn dày, khi nở uốn cong ra ngoài, nhị nhiều, dài bằng cánh hoa, dính nhau một phần ở phía dưới, bầu hình cầu.
Quả gần hình cầu, hai đầu dẹt, khi chín màu vàng cam hay vàng đỏ, vỏ quả lồi lõm nhưng không sần sùi, dễ bóc. Cơm quả ngọt, chua. Quả chín có mùi thơm ngon, nhiều hạt.
Quả thu hái khi chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm trần bì. Nếu lấy quả lúc còn xanh, lấy vỏ phơi khô thì được thanh bì.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Nhiều tác giả cho rằng, quýt có nguồn gốc từ Đông Dương. Nhìn chung, theo Swingle, 1986 các giống Quýt trồng trên thế giới hiện nay xuất xứ từ 3 loài chủ yếu: Quýt thường (Ở Đông Dương); Quýt hôi Ấn Độ; Quýt đại Nhật Bản. Trong đó Quýt thường được coi là quan trọng nhất. Ở Việt Nam, Quýt được trồng ở khắp nơi. Nhiều nhất tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Định, Hà Nam, bắc Cạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Bộ phận dùng: Cây Quýt có thể dùng được nhiều bộ phận, nhưng ở đây, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu vị thuốc Trần bì. Trần bì là vỏ quả quýt chín đã phơi sấy khô, theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian thì trần bì càng để lâu năm càng tốt. Theo Wang F và cộng sự nghiên cứu và kết luận: Trần bì sau khi để lâu năm trên bề mặt có một số loại nấm phát triển trên Trần bì, trong đó chủ yếu là nhóm có lợi cho đường tiêu hóa như Aspergillus niger. Trần bì dày 0,1-0,15cm, dạng mảnh hơi cong queo, mặt ngoài màu vàng nâu hay nâu nhạt, có nhiều chấm màu sẫm hơn (túi tiết), mặt trong xốp, màu trắng ngà hay hồng nhạt, mùi thơm, vị hơi đắng, hơi cay. Vỏ nhẹ, giòn, dễ bẻ gãy.
Thu hái, chế biến: Cách chế biến sau khi phơi sấy khô Trần bì được sao qua, hoặc tẩm mật hoặc muối sao qua. Mục đích chế nhằm hòa hoãn dược tính của vị thuốc.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Trần bì có vị cay, đắng, tính ôn
Quy kinh: Đi vào 2 kinh tỳ và phế, có tác dụng lý khí, táo thấp, hóa đờm, kiện vị.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
Vỏ quýt tươi chứa tinh dầu 3,8%, trong đó thành phần chủ yếu là l-limonen 91%, một ít xitrala, aldehyd nonylic và dexylic, chứng 1% metylanthranilatmety (do chất này tinh dầu có huỳnh quang và mùi thơm), ngoài ra có hesperidin, methylhesperidin.
Tác dụng dược lý của cây quýt
Tác dụng đối với cơ trơn: Nghiên cứu trên động vật cho thấy nước sắc trần bì có tác dụng ức chế co bóp ruột;
Tác dụng chống viêm, chống loét, lợi mật: Methylhesperidin có tác dụng ức chế loét dạ dày gây nên do co thắt môn vị trên chuột. Tiêm xoang bụng cho chuột có tác dụng lợi mật rõ rệt
Tác dụng lên tim mạch: Nước sắc trần bì có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, tăng lượng máu do tim đẩy ra, ảnh hưởng không lớn đến nhịp tim ếch.
Các tác dụng khác: Limonen có tác dụng ức chế thần kinh trung ương trên chuột và giải co thắt, chống viêm, kháng dị ứng
Các bài thuốc chữa bệnh từ trần bì
1. Bài thuốc giúp sự tiêu hóa
Trần bì 0,5g, hoàng bá 0,3g, hoàng liên 0,3g, đảng sâm 0,3g, cam thảo 0,3g, Tất cả tán bột trộn đều. Chia 3 lần uống trong ngày.
2. Cây quýt chữa đau bụng nôn mửa, ợ hơi, tiêu hóa kém
Trần bì 8g, gừng sống 3 lát, sắc với 200ml nước còn 50ml uống trong ngày.
3. Trần bì chữa ho mất tiếng
Trần bì 12g, sắc với 200ml nước, còn 100ml cho thêm đường vào cho đủ ngọt, nhấp uống dần trong ngày.
4. Cây quýt chữa ho đờm nhiều, đờm đặc, tức ngực
Trần bì, hạt vải (thái mỏng phơi khô sao vàng), đại hồi. Liều
Lưu ý khi dùng Trần bì chữa bệnh
Trần bì là một vị thuốc an toàn. Trong khi sử dụng cần chú ý: Các trường hợp không thấp, không trệ, không đàm thì ít dùng. Người âm hư ho khan không có đờm, thổ huyết cũng không dùng Trần bì.
Nhìn chung, trần bì là một vị thuốc thông dụng, nó tham gia vào thành phần nhiều bài thuốc y học cổ truyền, đặc biệt là các bài thuốc chuyên cho tiêu hóa, hô hấp bởi các tác dụng lý khí, táo thấp, hóa đờm, kiện vị. Việc chế biến để sử dụng trần bì cũng khác đơn giản, chúng ta có thể tự chế biết để dùng. Để tăng tác dụng và trong một số bệnh thì việc sử dụng kết hợp với các vị thuốc khác sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Thấy được công dụng đó, mỗi người chúng ta nên chuẩn bị cho mình một ít trần bì để phòng khi cần thiết nhé.
Xem thêm: Ngô thù du và 5 bài thuốc chữa bệnh ngoài da, huyết áp, rối loạn dạ dày, tai mũi họng, hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!