Cây thanh ngâm và 5 bài thuốc chữa rắn cắn, ghẻ lở, ho gà, tiểu ra máu, kém ăn, mất ngủ hiệu quả
Nội dung chính
Cây thanh ngâm hay còn có tên gọi khác là cây cơm nguội nhung, thằm ngăm đất, sản đất, mật đất. Theo đông y thanh ngâm có tác dụng khai vị tiêu viêm, chữa đau bụng phong thấp và có tác dụng rất lớn trong việc chữa bệnh kém ăn mất ngủ.
- Tên gọi khác: Thằm ngăm đất, Mật đất
- Tên khoa học: Picria fel-terrae Lour
- Họ: Hoa mõm sói (Scrophulariaceae)
Thông tin, mô tả cây Thanh ngâm
1. Đặc điểm thực vật
Cây thảo cao tới 40cm, thường đâm rễ ở các mắt dưới, thân vuông, có lông thưa hay dày. Lá mọc đối, phiến xoan, dài 2-5cm, rộng 1,5-3cm, hơi nhọn ở đầu, dạng góc và tới tròn ở gốc, mép có răng đều, gân phụ 4-5 cặp, có lông mịn; cuống 2-15mm, có cạnh. Chùm hoa ở nách lá thưa, gồm 4-5 hoa, có cánh hoa màu nâu đỏ trừ môi dưới. Quả nang dạng trứng, hình cầu, nhẵn, có mũi. Hạt vàng, hình trụ. Ra hoa quanh năm.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Loài của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Malaixia, Philippin, Inđônêxia. Ở nước ta, cây mọc ven rừng, rừng thường xanh đồng bằng đến 900m từ Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hoà Bình, Hà Tây tới Quảng Trị.
Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Picriae, thường gọi là Thổ huyền sâm, Ðịa đởm thảo.
Thu hái: Quanh năm
Chế biến: Phơi khô
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng giảm đau. Lá khai vị, kích thích ruột, làm ra mồ hôi, lợi tiểu và điều kinh.
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
Cây rất đắng, chứa một glucosid là curangin, có nhiều tính chất của digitalin và cũng có tác dụng trợ tim.
Tác dụng dược lý của cây thanh ngâm
Lá được dùng trong giai đoạn đầu của thủy thũng, sốt gián cách, vô kinh, đau bụng và đau vùng thắt lưng. Ở Molluyc, người ta dùng cây làm thuốc trị giun và cũng làm thuốc trị sốt rét cách ba ngày, kích thích gan làm vận chuyển mật tới ruột nhưng không khử lọc; cũng dùng trị đau bụng. Ở Malaixia, do cây có vị đắng nên được dùng khai vị. Dịch cây dùng gây nôn và nước sắc lá dùng trị đau dạ dày, bệnh về gan.
Cây cũng được dùng trị rắn cắn và các vết thương khác; ở Malaixia, người ta phối hợp với cây Dạ cẩm làm thuốc đắp trị rắn cắn.
Ở Hải Nam (Trung Quốc), vỏ cây, vỏ rễ trị cam tích phát ban, đau họng, rắn cắn và lao hạch. Ở Vân Nam, toàn cây được dùng trị cảm mạo phong nhiệt, hầu họng sưng đau, đau dạ dày, tiêu hoá không bình thường, bệnh lỵ, rắn độc cắn, đòn ngã tổn thương, viêm tuyến hạch, đinh nhọt, … Ở Quảng Tây cây được dùng trị Viêm phổi, bạch hầu; còn dùng ngoài trị gãy xương.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây thanh ngâm
1. Cây thanh ngâm chữa rắn cắn, ghẻ lở
Cỏ thanh ngâm có tác dụng kháng nọc rắn, vì vậy, nếu không may bị rắn cắn, có thể lấy cỏ thanh ngâm rửa sạch, giã nát và đắp ngoài da để sơ cứu tạm thời. Trong trường hợp lở loét cũng dùng tương tự
2. Bài thuốc chữa ho gà, đau ngực từ cây thanh ngâm
Ho gà và đau ngực là những căn bệnh nguy hiểm và cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu có cỏ thanh ngâm, bệnh nhân có thể hái khoảng 10 g lá thanh ngâm, kết hợp với 10 g rau má rồi hãm lấy nước uống (hoặc sắc uống).
3. Cây thanh ngâm trị tiểu ra máu
Cách điều trị tiểu ra máu bằng thanh ngâm rất đơn giản: mỗi ngày lấy khoảng 15 g thanh ngâm sắc lấy nước uống.
4. Cây thanh ngâm trị triệu chứng bất chợt đau dữ dội ở vùng thượng vị
Trong trường hợp này, có thể dùng 20 g cỏ thanh ngâm, sắc đặc cho đến khi còn khoảng 100 ml nước thì cho thêm ít rượu vào rồi uống.
5. Trị triệu chứng hay bồn chồn, hoảng hốt, kinh sợ, kém ăn, mất ngủ
Vì cỏ thanh ngâm thông vào kinh Tâm nên khi gặp các triệu chứng trên, người bệnh có thể dùng toàn cây thanh ngâm với quả trắc bá, hạt táo chua (chỉ lấy nhân hạt rồi sao già), củ mài, hạt sen, mạch môn đông (mỗi vị 10 g), sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Lưu ý khi dùng cây thanh ngâm chữa bệnh
Mặc dù cỏ thanh ngâm được đánh giá là an toàn nhưng người bệnh cũng không dùng quá liều. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy dùng thuốc này ở liều cao có thể gây ra viêm gan nhẹ, nôn mửa, đi tả, viêm bể thận mãn tính… Trong đó, so với thỏ thì độc tính của thanh ngâm đối với chó có phần nghiêm trọng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!