Cỏ may (châm thảo) và 3 bài thuốc chữa bệnh về gan, vàng da, giun sán hiệu quả
Nội dung chính
Cỏ may hay còn gọi với tên cây bông cỏ, châm thảo, thảo tử hoa, thúy hồ điệp. Đây là loại cỏ mọc hoang, tưởng như vô dụng nhưng lại được dùng chữa bệnh. Từ lâu cây được dùng chữa vàng da, giun đũa, giun chui ống mật.
Tên gọi khác: Cây bông cỏ, Châm thảo, Thảo tử hoa, Thúy hồ điệp.
Tên khoa học: Chrysopogon aciculatus.
Họ: Lúa (Poaceae).
Thông tin, mô tả cây cỏ may
1. Mô tả dược liệu
Cỏ may là một trong những loại cây cỏ sống lâu năm, có phần thân rễ cứng mọc bò. Thân cây bò lan trên mặt đất, thân mọc đến đâu thì sẽ bén rễ đến đó. Phần thân mọc thẳng lên cao khoảng 20 – 50cm, chứa nhiều đốt, càng lên trên các đốt càng dài ra.
Lá mọc so le nhau, phía dưới dẽ mọc dày hơn phía trên. Phiến lá hẹp và dàu khoảng từ 2 – 10cm, rộng chỉ khoảng 3 – 5mm. Phần đầu lá nhọn, gần phía cuống tròn và nhẵn.
Cụm hoa mọc thành từng tùy dài khoảng 5 – 10cm có màu tím than. Có một số nhánh mọc vòng và mang hoa học thành bông dài khoảng 8mm. Mùa hoa ở vào khoảng từ tháng 4 đến tận tháng 12.
Phần quả chín có thể sẽ móc vào quần áo khi đi qua. Và cũng chính vì thế mà loại cỏ này có tên là cỏ may. Đây cũng chính là hình thức mà loại cây này có thể lan nhanh từ vùng này sang vùng khác.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Dược liệu được tìm thấy ở rất nhiều nước thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Ấn Độ, Nam Trung Quốc… Ở nước ta, loại cỏ này mọc hoang dại ở khắp mọi nơi.
Bộ phận dùng: Toàn cây mà điển hình nhất là thân rễ thường được sử dụng để làm vị thuốc.
Thu hái: Dược liệu có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm
Chế biến: Chỉ cần rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô và bảo quản dùng dần.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Cỏ may là dược liệu có vị đắng và tính mát.
Quy kinh: Chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận vấn đề này.
Bảo quản: Dược liệu đã qua sơ chế cần bảo quản trong túi kín ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc, mối mọt.
4. Thành phần hóa học
Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu.
Tác dụng dược lý của cỏ may
Theo y học cổ truyền:
Công dụng: Giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc.
Chủ trị: Chữa chứng mắt vàng, da vàng, các bệnh về gan và trị giun.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cỏ may
1. Bài thuốc điều trị bệnh về gan, mắt vàng, da vàng từ cỏ may
Chuẩn bị: 60g phần rễ cỏ may.
Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch rồi để ráo. Cho vào ấm sắc cùng với khoảng 500ml nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước rút còn 200ml là đạt. Chia làm 2 lần uống trong ngày khi còn ấm nóng, dùng với liều 1 thang/ngày. Cần duy trì liên tục trong 5 – 7 ngày.
2. Cỏ may và bài thuốc trị giun chui ống mật
Chuẩn bị: 30g rễ cỏ may cùng 1 quả trứng gà.
Thực hiện: Dược liệu đem rửa cho sạch rồi sắc cùng với 300ml nước trên lửa nhỏ đến khi còn 100ml. Uống ngay khi thuốc còn ấm nóng. Tiếp đến, đập trứng gà khuấy đều với khoảng 2 thìa mật ong hoặc 1 thìa cà phê đường kính và uống liền sau đó. Lặp lại lần 2 khi vẫn còn cơn đau nhẹ.
3. Bài thuốc chữa giun đũa từ châm thảo
Chuẩn bị: 20g hạt cỏ may.
Thực hiện: Đem cho dược liệu vào ấm sắc, đổ vào 400ml nước đun trên lửa nhỏ đến khi còn 150ml. Uống sau bữa ăn 1 lần khi thuốc còn ấm nóng. Sử dụng với liều lượng 1 thang thuốc/ngày.
Những thông tin mà bài viết đề cập về cây cỏ may chỉ có giá trị tham khảo. Các bài thuốc về dược liệu này vẫn chưa có cơ sở khoa học. Chính vì thế mà người bệnh cần cẩn trọng tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng cỏ may để chữa bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!