Ô dược và 8 bài thuốc chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, sốt, lỵ hiệu quả
Nội dung chính
Ô dược có công dụng chính là hành khí, chỉ thống và khứ hàn. Y học cổ truyền thường dùng dược liệu để trị chứng thống kinh, kinh nguyệt không đều, ăn uống không tiêu do hàn xâm nhập và chứng cam tích ở trẻ nhỏ.
Tên gọi khác: Bàng kỳ, Thai ô dược, Thổ mộc hương, Kê cốt hương, Bàng tỵ, Thiên thai ô dược, Ô dược nam, Cây dầu đắng,…
Tên khoa học: Lindera myrrha Merr
Tên dược: Radix lindera strychnifolia
Họ: Long não (Lauraceae)
Thông tin, mô tả dược liệu
1. Đặc điểm thực vật
Ô dược là cây thân gỗ, cao khoảng 1 – 15m, cây có nhiều cành, gầy và có màu đen nhạt. Phiến lá hình bầu dục, rộng 2cm và dài khoảng 6cm, mọc so le.
Mặt dưới có lông phủ, mặt trên bóng nhẵn, cuống lá gầy, dài khoảng 6 – 10mm. Hoa mọc thành tán nhỏ, đường kính khoảng 3 – 4mm và có màu hồng nhạt. Quả mọng, hình trứng, thường có màu đen/ đỏ khi chín, bên trong chứa 1 hạt. Toàn cây có vị đắng và mùi thơm đặc trưng.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Ô dược có nguồn gốc và phân bố chủ yếu Trung Quốc. Ở nước ta có ô dược nam (nhỏ hơn so với ô dược Trung Quốc), mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Bộ phận dùng: Rễ của cây được dùng làm thuốc. Chọn thứ rễ mập, rắn chắc, thịt có màu vàng ngà, bề ngoài trơn nhẵn, không có mọt và có hương thơm đặc trưng là loại tốt nhất. Loại rễ cứng và già đã mất tác dụng dược lý nên thường không được chọn để làm thuốc. Các tỉnh miền nam có cây ô dược lớn, cao được dùng để làm nhang và trộn hồ xây nhà. Vì vậy cần tránh nhẫm lẫn khi sử dụng.
Thu hái: Có thể hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân và mùa thu – đông.
Chế biến: Sau khi hái về, bào chế dược liệu theo những cách sau đây: Dùng rễ phơi khô, sau đó đem ngâm với nước trong vòng 1 ngày. Tiếp theo đem rễ vớt ra, ủ cho mềm, tiếp tục thái lát, mài hoặc phơi khô. Rửa sạch đất cát và tạp chất, đem rễ ủ mềm và để ráo. Sau đó cắt thành lát, tán bột mịn hoặc phơi khô để dùng dần. Bỏ vỏ, lấy lõi đem mài hoặc sao qua.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Vị cay, hơi đắng, tính ôn và không có độc. Ghi chép của Trung Dược Học cho rằng, dược liệu có vị đắng và tính ấm.
Quy kinh: Quy vào kinh Phế, Thận, Tỳ, Vị, Thận và Bàng Quang.
Bảo quản: Dược liệu dễ hư hại và mốc mọt. Vì vậy nên để ở nơi thoáng gió và có độ ẩm thấp.
4. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học trong ô dược rất đa dạng, bao gồm Linderaic acid, Chamazulene, Linderazulene, Linderol, Linderana, Borneol, Isolinderalactone, Linderene acetate, Neolinderalactone,…
Tác dụng dược lý của ô dược
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Ô dược có tác dụng tăng nhu động ruột và giảm đầy hơi ở chó thực nghiệm.
Thực nghiệm trên chuột cho thấy, chuột ăn dược liệu trong thời gian dài tăng trọng lượng đáng kể.
Ô dược kích thích tăng tiết dịch ruột, giảm trương lực ruột nhằm đẩy khí ra bên ngoài và làm tăng nhu động ruột.
Bột dược liệu khô có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu và cầm máu nhanh chóng.
– Theo Đông Y:
Công dụng: Khai uất, chỉ thống, thuận khí, khứ hàn, ôn Thận, lý nguyên khí.
Chủ trị: Hoắc loạn thổ tả, táo tỳ thấp, khí huyết ngưng đình, khí nghịch khiến ăn vào hay nôn, bụng đầy trướng, thường xuyên đau bụng và ăn không tiêu. Trị chứng tiểu nhiều do bàng quang hư hàn và cảm nhiễm khí lạnh.
Các bài thuốc chữa bệnh từ ô dược
1. Bài thuốc trị bụng dưới đau do hàn sán
Chuẩn bị: Cao lương khương, hồi hương và ô dược mỗi vị 6g, thanh bì 8g.
Thực hiện: Đem sắc uống.
2. Ô dược trị đau bụng kinh, bụng đau và khí trệ do trúng khí hàn
Chuẩn bị: Cam thảo 6g, sinh khương 6g, đảng sâm 10g, ô dược 10g và trầm hương 2g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
3. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa gây ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, bụng đầy trướng và ăn uống khó tiêu
Chuẩn bị: Hương phụ và ô dược bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng từ 2 – 8g uống với nước gừng sắc, ngày dùng 2 lần.
4. Ô dược trị bàng quang hư hàn, thận dương bất túc gây tiểu nhiều và đái dầm
Chuẩn bị: Sơn dược và ích trí nhân mỗi vị 16g, ô dược 10g.
Thực hiện: Sắc uống trong ngày.
5. Bài thuốc trị huyết ngưng khí trệ gây đau bụng kinh từ ô dược
Chuẩn bị: Mộc hương và hương phụ mỗi vị 8g, đương quy 12g, ô dược 10g.
Thực hiện: Sắc uống trong ngày.
6. Bài thuốc trị tiêu chảy, sốt và lỵ
Chuẩn bị: Ô dược (sao với cám) một lượng vừa đủ.
Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng từ 3 – 5g uống với nước cơm. Dùng 2 – 3 lần/ ngày, nên dùng trước khi ăn khoảng 90 phút.
Lưu ý: Nếu bị nặng, nên phối hợp với hoắc hương và cỏ sữa. Dùng mỗi thứ 10g đem sắc uống và chia thành 3 lần uống, dùng liên tục trong 1 – 2 tuần lễ.
7. Bài thuốc trị chứng cam tích ở trẻ nhỏ (người nhẹ cân, gầy yếu, chậm lớn, bụng ỏng đít teo, ăn ngủ kém)
Chuẩn bị: Bạch truật, ô dược và màng mề gà (kê nội kim) sao cám, hoài sơn sao vàng và ý dĩ mỗi thứ 10 – 12g.
Thực hiện: Đem tán nguyên liệu thành bột mịn, mỗi lần dùng 5 – 9g uống với nước sôi để nguội. Mỗi ngày dùng 3 lần, sử dụng liên tục trong 2 – 3 tuần. Dùng bài thuốc nhiều đợt để trị dứt điểm bệnh.
8. Ô dược trị chứng đau bụng kinh ở phụ nữ
Chuẩn bị: Sa nhân (vi sao) 3g, mộc hương và ô dược (vi sao) mỗi vị 12g, cam thảo 5g, huyền hồ (chích giấm) 12g và sinh khương 4g.
Thực hiện: Sắc uống, chia thành 2 lần uống. Uống thuốc trước khi ăn và dùng liên tục trong 17 – 21 ngày. Nên dùng sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
Những điều cần lưu ý khi dùng Ô dược chữa bệnh
Không dùng dược liệu cho người khí huyết hư nhưng có nội nhiệt.
Tác dụng của ô dược tương tự với Hương phụ và Mộc hương (đều có tác dụng chỉ thống và hành khí).
Một số đại lý kinh doanh ô dược giả (thường dùng rễ cây sim rừng – Rhodomyrtus tomentosa).
Ô dược là vị thuốc quý có khả năng điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên việc áp dụng bài thuốc tùy tiện có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu có ý định sử dụng bài thuốc từ dược liệu này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!