Cây cửu lý hương (văn hương) và 5 tác dụng chữa phong thấp, điều kinh, rửa vết thương, té ngã, bầm dập
Nội dung chính
Cây cửu lý hương (văn hương) được biết đến là một cây thuốc Nam với nhiều bài thuốc chữa bệnh quý. Cây có vị cay, tính ấm nên có thể dùng chữa phong thấp, điều kinh, đau nhức.
- Tên gọi khác: Văn hương.
- Tên khoa học: Ruta graveolens L.
- Họ: Cam Rutaceae.
Thông tin, mô tả về cây cửu lý hương
1. Mô tả cây cửu lý hương
Cây nhỏ sống dai, nhiều cành, cao 80cm. Lá mọc so le, vỏ có mùi hắc, phiến lá 2-3 lần xẻ lông chim, mọc ở dưới gốc, phía trên ít xẻ hơn. Hoa mọc thành ngù, hoa màu vàng, lá dài 3 cạnh, 4 cánh hoa, 10 nhị khi chín bao phấn tự động áp vào đầu nhụy. Quả khô gồm 4-5 đại đính ở phía gốc.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái và chế biến
- Phân bố: Cây mọc hoang dại và được trồng ở một số vùng nước ta để làm thuốc. Còn mọc ở nhiều nước ôn đới như Pháp, Ý, bắc châu Phi.
- Bố phận dùng: Lá và thân cây
- Thu hái, chế biến: Cây có thể dùng tươi hoặc lấy lá, thân về cắt khúc nhỏ, rửa sạch phơi khô.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
- Tính vị: Cay (tần), khí lương, ôn (ấm). Vào 3 kinh tâm, phế, thận.
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
Ngoài một số ancaloit phát hiện trong quả (skimmianin, graveolin) và trong rể (fagarin), người ta còn thấy:
1 đến 2% rutozit được tách riêng từ trong cây này ra. Nhưng hiện nay người ta chiết rutozit trên quy mô công nghiệp từ những nguyên liệu khác như hoa hòe, mạch ba góc…;
0,1% tinh dầu trong đó thành phần chủ yếu là metylnonylxeton kèm theo một số chất khác như metylheptyl, metyloctyxeton;
Các hợp chất cumarin như becgapten, xanthotoxin.
Tác dụng dược lý của cây văn hương
Tác dụng gây sảy thai của cửu lý hương đã được biết từ thời xa xưa. Nhân dân châu Âu xưa kia thường dùng cửu lý hương để chữa bệnh dại, bán thân bất toại, thuốc giun. Hiện nay thấy ít ghi trong các dược điển. Nhưng cửu lý hương vẫn được nhân dân nhiều nước dùng làm thuốc điều kinh với liều 0,05-0,10g mỗi ngày. Có thể gây rong huyết, viêm ruột. Người ta cho thấy chất độc trong cửu lý hương là chất metylnonylxeton. Năm 1965, tác dụng trừ co thắt (spasmolytique) được xác định.
Dùng ngoài làm thuốc đắp nơi đau nhức.
Cây cửu lý hương và tác dụng chữa bệnh
1. Cửu lý hương chữa bị té ngã sưng đau
Ngày dùng 15g đến 30g (cọng và lá) dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Kết hợp lấy cọng và lá tươi giã nát đắp vào nơi đau.
2. Văn hương chữa phong thấp, khí thống
Dùng 15 – 30g Cửu lý hương sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày.
3. Cây cửu lý hương làm thuốc điều kinh
Với liều 0,05 – 0,1g uống mỗi ngày.
4. Chữa vết thương bầm dập từ cây cửu lý hương
Lấy cây Cửu lý hương còn tươi, lượng vừa đủ giã đắp vào nơi đau ngày 1 lần.
5. Dùng văn hương rửa vết thương
Lấy cửu lý hương lượng vừa đủ sắc đặc lấy nước rửa vết thương.
Lưu ý khi dùng cửu lý hương chữa bệnh
Phụ nữ có thai không dùng. Liều cao có thể gây sảy thai, kể cả âm hư hỏa vượng tránh dùng. Không lạm dụng vì có độc là chất metylnonylxeton.
Trên đây là những thông tin về cây cửu lý hương và 5 bài thuốc chữa bệnh từ cây này. Tuy nhiên, trong cây có hàm lượng độc nhỏ nên khi dùng cần hết sức cẩn thận, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Mình mua giống về trồng bita có bán k ạ