Cây sim và 11 bài thuốc chữa đau đầu, viêm dạ dày, chảy máu cam, huyết áp, xương khớp, hen suyễn.. hiệu quả
Nội dung chính
Cây sim là một dược liệu quý. Rễ, lá và quả sim có thể dùng để làm thuốc trị tiêu chảy, lị, đau đầu kinh niên, băng huyết, đau nhức, phong thấp,…
Tên gọi khác: Dương lê, nẫm tử, sơn nẫm, cương nẫm, đào kim nương, hồng sim;
Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa Wight;
Họ: Sim (Myrtaceae).
Thông tin, mô tả cây sim
1. Đặc điểm thực vật
Cây sim là một loài thực vật mọc dại ở rừng núi, ven sông suối. Lá sim có màu xanh lục. Cây cho hoa màu tím. Hoa sim thường nở rộ vào mùa hè. Quả sim khi chín có màu nâu đen. Quả sim được người dân miền núi ăn trực tiếp, ăn như món ăn vặt.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Cây sim có nguồn gốc ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Cây sim thường mọc ở ven biển, rừng, đồi núi, ven sông suối và các rừng ngập mặn,…Có thể tìm thấy cây sim ở một số quốc gia như Trung Quốc, Philipines, Đài Loan, Malaysia, Sulawesi và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây sim vừa mọc hoang, vừa được trồng để làm thuốc, làm cảnh trong vườn nhà.
Bộ phận dùng: Lá, quả, rễ;
Thu hái: Lá cây sim và rễ cây sim có thể thu hái quanh năm. Nên thu hái quả sim khi quả đã chín.
Chế biến: Các bộ phận rễ sim, quả sim, lá sim thường được dùng để làm thuốc. Người dùng có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Các bộ phận của cây sim có thể được dùng để sắc uống, ngâm rượu hoặc giã nát để đắp ngoài da.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Theo Đông y, lá sim có vị ngọt, tính bình. Còn quả sẽ có vị ngọt chát nhưng tính bình. Rễ sim cũng có vị ngọt, hơi chua và tính bình.
Quy kinh: Cây sim được ghi chép trong cuốn Bản thảo cương mục.
Cách bảo quản: Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ.
4. Thành phần hóa học
Cả cây chứa tanin. Quả có protein, chất béo, glucid, vitamin A, thiamin, riboflavin và acid nicotinic.
Thân và lá sim có nhiều hợp chất triterpen như betullin, acid betulinic; taraxerol…
Nụ sim có nhiều tanin, acid nicotinic, flavonic, riboflavin…
Tác dụng dược lý của cây sim
Theo đông y, từng bộ phận của cây sim như lá sim, quả sim và rễ sim đều có những tác dụng dược lý nhất định.
Rễ sim có các tác dụng như: Giảm đau; Trừ phong thấp; Cầm máu.
Lá sim có các tác dụng như: Giảm đau; Sinh cơ; Hút mủ; Cầm máu; Tán nhiệt độc.
Quả sim có các tác dụng như: Cố tinh; Sáp trường; Cầm máu; Dưỡng huyết.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây sim
1. Bài thuốc chữa đau đầu kinh niên
Dùng 30g lá và cành sim tươi, rửa sạch, để ráo nước trước khi dùng. Cho lá sim và cành vào nồi, nước ngập. Đun đến khi còn nửa bát (khoảng 100ml) thì tắt bếp. Uống thuốc liên tục trong vòng từ 2 – 3 ngày.
2. Cây sim chữa viêm dạ dày và viêm ruột cấp
Sắc khoảng 50 – 100g lá sim tươi để uống. Nếu dùng lá phơi khô, sắc khoảng từ 15 – 20g.
3. Bài thuốc chữa chảy máu cam (chảy máu mũi) từ cây sim
Chuẩn bị 20g quả sim đã phơi khô. Sắc thuốc với 3 bát nước, cô đặc chỉ còn nửa bát. Mỗi lần uống hết 1 thang thuốc.
4. Sim chữa băng huyết, đao thương xuất huyết, thổ huyết
Sao đen quả sim đã khô. Sao đen như than, sau đó nghiền thành bột mịn. Bảo quản bột thuốc trong lọ, đậy kín nút để dành sử dụng dần. Chiêu bột thuốc bằng nước nóng. Nếu bị vết thương ngoài da, bôi bột thuốc vào vết thương.
5. Bài thuốc chữa bỏng từ cây sim
Đốt quả sim, sau đó nghiền thành bột mịn. Trộn bột thuốc với dầu lạc hoặc dầu vừng, sau đó bôi vào vết thương bỏng.
6. Bài thuốc chữa đại tiện xuất huyết
Chuẩn bị khoảng 20g quả sim khô. Sắc quả sim khô với 400ml nước, đến khi chỉ còn khoảng 320ml thì ngưng. Chia thang thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Dùng thuốc liên tục trong 1 tuần.
7. Cây sim và bài thuốc chữa ngoại thương xuất huyết
Chuẩn bị lá sim tươi một lượng vừa đủ. Rửa sạch, để ráo nước, sau đó giã nát. Đắp lá sim giã nát vào vết thương.
8. Bài thuốc trị đau nhức xương khớp, phong thấp và đau mỏi lưng
Chuẩn bị 40g rễ sim. Sắc rễ sim với nước để uống. Mỗi thang thuốc, chia ra 2 lần uống trong ngày. Uống thuốc vào buổi sáng và buổi tối.
9. Bài thuốc trị hen suyễn
Sắc 60g rễ sim phơi khô với nước, để uống.
10. Cây sim trị viêm gan truyền nhiễm cấp
Chuẩn bị 30g rễ sim khô, 15g bạch hoa xà thiệt thảo, 15g nhân trần, 15g cốt khí củ, 30g kê cốt thảo. Sắc thuốc uống mỗi ngày. Mỗi thang thuốc, chia làm 2 lần uống trong ngày. Nếu trường hợp bệnh gan nhẹ, chỉ cần sắc 30g rễ sim uống mỗi ngày, trong vòng 20 ngày. Lưu ý, nên uống thuốc trước bữa ăn.
11. Bài thuốc trị bệnh trĩ, giang môn lở loét
Dùng khoảng 40 – 50g rễ sim khô, 15 – 20g hoa hòe, lòng lợn. Nấu canh bằng các nguyên liệu kể trên. Khi ăn, người bệnh ăn phần lòng lợn và uống nước canh, vớt bỏ phần bã cây thuốc. Dùng bài thuốc này liên tục trong nhiều ngày.
Lưu ý khi dùng cây sim chữa bệnh
Khi dùng cây sim để trị bệnh, người dùng nên lưu ý một số điều sau:
- Trước khi áp dụng chữa bệnh bằng sim, người bệnh nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Những bài thuốc từ cây sim được dân gian lưu truyền có thể phù hợp hoặc không phù hợp với cơ địa, trường hợp bệnh của một số bệnh nhân. Do đó, để phòng tránh những bất trắc, người dùng nên thận trọng trước khi sử dụng.
- Khi dùng rễ sim, lá sim, người dùng nên rửa sạch bụi đất và vi khuẩn trước khi dùng.
- Trong quá trình sử dụng các bài thuốc từ cây sim, nếu cơ thể có các triệu chứng kỳ lạ, người bệnh nên tạm ngưng dùng và khai báo ngay cho bác sĩ.
- Người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc Tây khi dùng các bài thuốc từ cây sim. Nếu muốn bỏ thuốc Tây, để điều trị bằng Đông y, người bệnh cần có sự xem xét và đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
Nội dung trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Người viết tỏ ý giới thiệu về cây sim – một loại dược liệu quý và một số bài thuốc trị bệnh từ cây sim trong dân gian.
Xem thêm: Ô dược và 8 bài thuốc chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, sốt, lỵ hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!