Cây sơn và 3 bài thuốc chữa bế kinh, đau bụng, giun sán hiệu quả
Nội dung chính
Cây sơn hay còn được gọi với nhiều cái tên như Sơn, Sơn Phú thọ, Sơn lắc. Từ lâu đã có tác dụng điều trị đau bụng kinh, bế kinh, giun sán.
Tên gọi khác: Sơn, Sơn Phú thọ, Sơn lắc
Tên khoa học: Rhus succedanea L., (Toxicodendron succedanea (L.) Mold.).
Họ: Đào lộn hột (Anacardiaceae)
Thông tin, mô tả cây sơn
1. Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao tới 10m. Vỏ thân màu nâu. Lá mang 7-15 lá chét không lông, hình bầu dục thon, dài 5-10cm, rộng 1,5-3,5cm, gốc không cân, mặt dưới tái. Chuỳ hoa ngắn hơn lá; cánh hoa 5, dài bằng 2-3 lần đài, nhị 5, có chỉ nhị dài bằng cánh. Quả hạch cứng, dẹp dẹp, màu vàng nhạt, đường kính 6-8mm. Hoa tháng 7, quả tháng 11.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Loài phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia. Ở nước ta, cây mọc hoang từ Hoà Bình, Quảng Ninh đến tận Lâm Đồng và được trồng nhiều ở Phú Thọ và trên các đồi Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Thái, Hoà Bình để trích lấy sơn.
Bộ phận dùng: Rễ, lá, vỏ, quả – Radix, Folium, Cortex et Fructus Rhi Succedaneae.
Thu hái: Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm.
Chế biến: Ta thường dùng Sơn khô (Can tất) đốt cháy hay tẩm sơn ướt vào giấy đậy sải Sơn đem đốt rồi tán bột. Ít khi dùng sơn tươi vì gây tổn thương tràng vị.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Vị đắng, chát, tính bình, có ít độc
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hoá học
Nhựa Sơn chứa acid palmitic, acid oleic, glycerid, rhoifolin, firetin, fustin; trong nhựa của Sơn có chất laccol tương đồng với urushiol. Lá chứa tanin và một glocusid apigenin.
Tác dụng dược lý của cây sơn
Ở Trung Quốc được dùng trị hen khan (háo suyễn), cảm, viêm gan mạn tính, đau dạ dày, đòn ngã tổn thương, và dùng ngoài trị gãy xương, các vết thương chảy máu.
Ở Ấn Độ, người ta dùng quả trị lao phổi.
Ta thường lấy Sơn khô (Can tất) làm thuốc chữa phụ nữ kinh bế đau bụng, chữa kinh bế, có báng máu đau nhức và trị đau bụng giun. Liều dùng 1-4g, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Các bài thuốc chữa bệnh của cây sơn
1. Chữa phụ nữ kinh bế đau bụng từ cây sơn
Sơn khô đốt ra tro, tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với rượu (Nam dược thần hiệu).
2. Chữa kinh bế, có báng máu đau nhức, đau cả tâm vị hoặc các loại tích tụ u hòn
Sơn khô, Nghệ vàng, Nghệ đen, Hương phụ (chế với giấm) liều lượng bằng nhau, tán nhỏ làm viên hoàn bằng hạt đậu, uống mỗi lần 50 viên với rượu (Nam dược thần hiệu).
3. Bài thuốc chữa bụng đau nhói lên tim, do giun sán quấy, miệng chảy nước rãi trong
Sơn khô đốt cháy, tán nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 10 viên, ngày uống 3 lần (Nam dược thần hiệu).
Lưu ý khi dùng cây sơn chữa bệnh
Khi tiếp xúc với Sơn, để đề phòng sưng lở, người ta thường đốt 1 mảnh giấy Sơn tán nhỏ hoà với nước uống. Còn khi bị Sơn ăn sưng ngứa, thì dùng lá Rau dền, lá Khế hay quả Khế giã nhỏ xát và đắp, hoặc nấu lá cây Ghẻ – Glochidion eriocarpum xông và rửa. Người ta thường dùng vỏ Núc nác nấu thành cao dùng uống trong và bôi ở ngoài.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!