Cốt toái bổ và 13 bài thuốc chữa đau răng, gãy xương, xương khớp… hiệu quả
Nội dung chính
Cốt toái bổ là vị thuốc làm mạnh gân xương, hoạt huyết, cầm máu, bổ thận và giảm đau. Dược liệu thường được dùng để chữa gãy xương lâu lành, người già bị suy nhược, thận hư yếu khiến chân răng chảy máu, miệng khát, đau lưng mỏi gối,…
Tên gọi khác: Tổ diều, Hầu khương, Tắc kè đá, Thân khương, Hồ tôn khương, cây Tổ phượng, Bổ cốt toái…
Tên khoa học: Drynaria fortunei
Họ: Dương xỉ (Polypodiaceae)
Thông tin, mô tả dược liệu
1. Đặc điểm cây cốt toái bổ
Cốt toái bổ là một dạng dương xỉ , sống phụ sinh trên những thân cây lớn (cây si, cây đa), mọc ở đám rêu ẩm ướt hoặc mọc ở hốc đá. Cây có thân rễ dày, bóng, được phủ lớp lông màu vàng óng.
Lá cây có 2 dạng: Lá hứng mùn, mép lá có răng cưa chọn, phiến lá hình xoan, gốc hình trái tim, không cuống, dài 3 – 5cm và mọc nhiều phủ lấy thân rễ. Lá thường sinh sản xẻ thùy sâu hình lá kép lông chim, cuống khoảng 4 – 7cm, dài 10 – 30cm, mỗi lá có khoảng 7 – 12 cặp lá lông chim. Gân ở mặt dưới lá có các túi bào tử xếp thành hai hàng, bào tử có hình trái xoan và màu vàng nhạt.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ củ đã được phơi/ sấy khô.
Phân bố: Ở nước ta, cây mọc nhiều ở các vùng núi của tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An,…
Thu hái: Rễ củ của cốt toái bổ có thể được thu hái quanh năm nhưng thường tập trung vào tháng 4 – 8.
Chế biến: Sau khi hái về đem cắt bỏ rễ con, cạo bỏ lông phủ bên ngoài và đem rửa sạch. Sau đó cắt thành từng miếng, đem phơi/ sấy khô dùng dần. Hoặc có thể bào chế bằng cách rửa sạch thân rễ, cạo bỏ lông, thái mỏng và phơi khô. Khi dùng có thể tẩm rượu/ mật ong, sao qua dùng dần. Dược liệu sau khi bào chế là đoạn thân rễ dẹt, dài khoảng 5 – 15cm, rộng 1 – 3cm và có bề dày khoảng 3mm. Dược liệu thường cong queo và phủ một lớp lông dày đặc có màu nâu đến nâu đen. Cắt ngang sẽ thấy có màu nâu, chất cứng và có những đốm vàng nhỏ xếp thành một vòng.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Vị đắng, tính ấm.
Quy kinh: Quy vào kinh Thận và Can.
Bảo quản: Nơi khô ráo và thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu trong cốt toái bổ là flavonoid và tinh bột.
Tác dụng dược lý của cốt bổ
– Công dụng của cốt toái bổ theo Đông Y:
Công dụng: Hoạt huyết, hóa ứ, làm mạnh gân xương, bổ thận, giảm đau, cầm máu
Chủ trị: Chấn thương do té ngã, ù tai, đau nhức lưng, thận hư yếu, đau răng, đau lưng mỏi gối, chảy máu chân răng, tiêu chảy kéo dài.
– Công dụng của cốt toái bổ theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Dược liệu có tác dụng giảm độc tính của Kanamycin đối với tai trong. Tuy nhiên khi ngưng dùng tai điếc vẫn tiếp tục tiến triển. (Thực nghiệm được thực hiện trên chuột lang).
Làm giảm lipid máu và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
Dược liệu có tác dụng giảm đau và an thần
Cốt toái bổ làm tăng nồng độ canxi trong xương và máu, đồng thời nâng cao lượng phosphate trong cơ thể.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cốt toái bổ
1. Món ăn chữa chứng đau nhức răng, thận hư yếu và tai ù
Chuẩn bị: Bầu dục lợn 1 cái và cốt toái bổ tán bột.
Thực hiện: Cho dược liệu vào bầu dục lớn, nướng chín và dùng ăn trực tiếp.
2. Bài thuốc trị răng chảy máu, răng long và đau nhức răng do thận hư
Chuẩn bị: Bột cốt toái bổ một lượng vừa đủ.
Thực hiện: Đem xát vào chân răng.
Lưu ý: Nếu bị nặng, có thể dùng Cốt toái bổ 16g, thục địa 16g, tế tân 2g, trạch tả, phục linh, sơn thù, đơn bì và sơn dược mỗi vị 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
3. Bài thuốc chữa gãy xương kín và chấn thương phần mềm
Bài thuốc 1: Huyết kiệt, đương quy, một dược, cốt toái bổ, bằng sa, địa miết trùng, tục đoạn, nhũ hương, đại hoàng và đồng tự nhiên, các vị bằng lượng. Đem tán thành bột mịn rồi trộn với Vaseline thoa vùng đau nhức.
Bài thuốc 2: Lá sen tươi, quả bồ kết tươi, cốt toái bổ và lá trắc bá diệp tươi, các vị bằng lượng nhau. Đem các vị tán nhỏ, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 12g hãm với nước sôi uống hoặc giã và đắp ở ngoài.
4. Bài thuốc giúp phòng ngừa nhiễm độc Streptomycin từ cốt toái bổ
Bài thuốc 1: Cúc hoa 12g, câu đằng 12g và cốt toái bổ 30g. Đem các vị sắc uống.
Bài thuốc 2: Dùng cốt toái bổ 30g sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
5. Bài thuốc chữa đau lưng gối mỏi do thận hư yếu
Chuẩn bị: Đỗ trọng, cốt toái bổ và tỳ giải mỗi vị 16g, thỏ ty tử, dây đau xương, rễ gối hạc và ngưu tất mỗi vị 12g, cẩu tích 20g, hoài sơn 20g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống, dùng đều đặn hằng ngày.
6. Bài thuốc trị viêm chân răng, răng lung lay, chảy máu, gân cốt tổn thương
Chuẩn bị: Trắc bá diệp tươi, lá sen tươi và sinh địa mỗi vị 10g, cốt toái bổ 15g.
Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
7. Bài thuốc chữa gãy xương lâu liền và chứng suy nhược cơ thể ở người cao tuổi
Chuẩn bị: Mẫu lệ, tục đoạn, cốt toái bổ, cẩu tích, hoàng kỳ, đương quy và bạch truật mỗi vị 12g, hoài sơn, đảng sâm và ba kích mỗi vị 16g, thiên niên kiện 8g.
Thực hiện: Đem các vị sắc thành nước uống.
8. Bài thuốc chữa chứng phong thấp thuộc huyết
Chuẩn bị: Rễ bưởi bung, xích đồng nam, cỏ xước, tiền hồ, ô dược và bạch đồng nữ mỗi vị 40g, vỏ chân chim 100g, rễ gắm 120g, cốt toái bổ 40g, rễ rung rúc 80g, rễ chiên chiến và bạch hoa xà mỗi vị 60g.
Thực hiện: Nấu thành cao đặc, sau đó ngâm với rượu trắng 40 độ 2 lít trong khoảng 3 ngày. Sau đó chắt lấy dịch trong, ngày dùng 2 lần mỗi lần dùng khoảng 30ml.
9. Bài thuốc chữa thấp khớp mãn tính thuộc thể nhiệt
Chuẩn bị: Cam thảo 4g, thổ phục linh, thiên hoa phấn, cốt toái bổ, thạch cao, độc hoạt, khương hoạt, kê huyết đằng, đan sâm, hy thiêm, sinh địa, uy linh tiên và rau má mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
10. Bài thuốc chữa máu tụ và bong gân do chấn thương
Chuẩn bị: Rễ củ cốt toái bổ tươi.
Thực hiện: Bỏ hết lá khô, lông tơ, rửa cho sạch và giã nát. Rấp nước gói trong lá chuối đã nướng, sau đó đem đắp lên vùng đau nhức và bó lại.
11. Bài thuốc trị chứng phong thấp do huyết
Chuẩn bị: Cẩu tích (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô) 240g, thạch hộc (rửa với rượu, chưng kỹ và phơi khô) 160g, hy thiêm (chưng với mật và rượu) 160g, rễ cỏ xước (dùng tươi đem rửa với rượu), cốt toái bổ (cạo lông, thái nhỏ và tẩm với mật, phơi khô) 160g, quán chúng (phơi trong râm, bỏ lông và vỏ) 100g, lá ké đầu ngựa (phơi trong râm) 40g, vỏ chân chim (sao vàng) 160g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế với mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 8 – 12g uống với rượu hoặc nước gừng.
12. Bài thuốc chữa chứng khô miệng, toàn thân mệt mỏi, đầu nặng, chân tay bủn rủn, thận hư yếu
Chuẩn bị: Tang ký sinh, sâm bố chính, gạc nai nướng và củ mài mỗi vị 6g, nhụy sen và mẫu đen mỗi vị 4g, hà thủ ô đỏ 12g và cốt toái bổ 6g.
Thực hiện: Đem sắc các vị lấy nước uống.
13. Bài thuốc giúp bồi bổ gân xương
Chuẩn bị: Bột mẫu lệ, bột sừng hươu nai và bột cốt toái bổ mỗi vị 2g.
Thực hiện: Làm thành viên uống, dùng đều đặn trong 3 – 4 tuần.
Lưu ý khi dùng cây cốt toái bổ chữa bệnh
Không dùng cho người âm hư, huyết hư và không có thực nhiệt
Thận trọng khi dùng cho trường hợp thiếu máu kèm nội nhiệt và ứ máu.
Ráng bay (Drynaria quercifolia) và Tắc kè đá (Drynaria bonii Christ) cũng được thu hái để bào chế thành dược liệu cốt toái bổ. Do đó cần tránh nhầm lẫn khi lựa chọn nguyên liệu.
Cốt toái bổ là vị thuốc bồi bổ sức khỏe và làm mạnh gân xương. Tuy nhiên bạn cần tránh tình trạng lạm dụng bài thuốc từ dược liệu này. Nhằm hạn chế rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng, nên chủ động trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể.
Xem thêm: Câu tích (lông culi) và 10 bài thuốc chữa xương khớp, thận hư… hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!