Mộc phòng kỷ và 3 bài thuốc chữa xương khớp, phù thũng, đau họng hiệu quả
Nội dung chính
Mộc phòng kỷ có Vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng trừ thấp, giảm đau, lợi tiểu, tiêu sưng, tiêu viêm, hạ huyết áp. Rễ được dùng trị: Thấp khớp, đau khớp và đau xương; Đau dạ dày, đau bụng, đau bụng kinh; Đau họng; Viêm thận phù thũng, bệnh đường tiết niệu; Thấp khớp tim; Huyết áp cao. Cũng được dùng chữa đau thần kinh.
Tên gọi khác: Phòng kỷ, phong ky, Hán phòng kỷ
Tên khoa học: Stephania tetrandrae S. Moore; Cocculus trilobus (Thunb.) DC.; Aristolochia fangchi Wu et L.D. Chou et S.M.Hwang.
Họ: Tiết Dê (Menispermaceae)
Thông tin, mô tả mộc phòng kỷ
1. Đặc điểm thực vật
Dây leo gỗ mọc quấn, rụng lá, dài tới 3m. Lá mọc so le, dài 3-6cm, rộng 1-3cm, có lông, nhất là ở mặt dưới; gân gốc 3-5. Hoa nhỏ màu vàng trắng mọc thành chùm ở nách lá. Quả hạch, đen lam, to 5-6mm. Cây ra hoa tháng 5-6.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Phân bố: Cây của vùng lục địa á châu, phân bố ở Nam Trung Quốc, Nhật Bản. Chưa rõ sự phân bố ở nước ta, nhưng có tác giả gộp làm một với Cocculus sarmentosus (Lour.) Diels. Ở Trung Quốc, người ta phân biệt ra 2 loài. Rễ thu hái vào mùa hè và mùa thu. Rửa sạch, thái lát mỏng, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Bộ phận dùng: Rễ cái. Rễ cái vàng, chắc, có vân ngang là tốt. Rễ đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu. Có khi dùng rễ cây Gấc để thay thế là không đúng.
Thu hái, bào chế:
Theo Trung Y: Cạo bỏ vỏ ngoài, rửa rượu phơi khô (Bản Thảo Cương Mục).
+ Lấy rễ khô ngâm nước một ngày. Vớt ra ủ mềm thấu, thái lát phơi khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ngâm một lúc, ủ cho đến mềm thấu, thái mỏng phơi khô. Có thể rửa sạch, thái mỏng ngay rồi phơi khô.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Vị rất đắng, cay, tính hàn.
Quy kinh: Vào kinh Bàng quang.
Bảo quản: phơi thật khô, để nơi cao ráo.
Tác dụng của mộc phòng kỷ
Tác dụng: trừ phong, hành thuỷ, tả thấp nhiệt ở hạ tiêu.
Chủ trị: trị thuỷ phũng, cước khí sưng phù, phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nHọt lở. Chứng phong thấp ứ trệ hoặc chứng thấp nhiệt ứ trệ: Phòng kỷ với ý dĩ nhân, Hoạt thạch, Tàm sa và Mộc qua.
Chứng hàn thấp ứ trệ: Phòng kỷ với Quế chi và Phụ tử chế.
Phù có biểu hiện nhiệt: Phòng kỷ với Ðình lịch tử và Tiêu mộc trong bài Kỷ Cúc Lịch Hoàng hoàn.
Phù do Tỳ hư: Phòng kỷ với Hoàng kỳ và Bạch truật trong bài Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang.
Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.
Các bài thuốc chữa bệnh của mộc phòng kỷ
1. Thấp khớp đau nhức xương
Dùng Mộc phòng kỷ, Ngưu tất, mỗi vị 15g, sắc uống.
2. Viêm thận phù thũng, bệnh đường tiết niệu
Mộc phòng kỷ 15g, Mã đề 30g, sắc uống.
3. Đau họng
Mộc phòng kỷ 15-30g, sắc uống.
Kiêng kỵ
Âm hư mà không có nhiệt thì không nên dùng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!