Cây máu chó (huyết đằng, si đỏ) và 6 bài thuốc chữa mụn nhọt, hủi, bệnh ngoài da, đau đầu, bệnh phụ nữ
Nội dung chính
Cây máu chó còn gọi huyết đằng hoặc si đỏ từ lâu đã được biết là vị thuốc quý trong đông y. Cây có vị chát, hơi the, tính ấm có tác dụng chữa bệnh. Các bài thuốc từ cây si đỏ dùng điều trị bệnh có thể kể đến như mụn nhọt, hủi, bệnh ngoài da, bệnh phụ nữ….
- Tên gọi khác: Cây huyết đằng, cây si đỏ
- Tên khoa học: Knema globularia (Lam) Warb
- Họ: Nhục đậu khấu – Myristicaceae.
Thông tin, mô tả cây máu chó
1. Mô tả cây huyết đằng
Cây nhỡ cao tới 10m, có các nhánh non phủ một lớp lông mềm màu hung đỏ, cành già nhẵn, có khía. Lá dạng màng, thuôn ngọn giáo, có mép nguyên, mặt trên bóng nhẵn, có gân lông chim với 11-15 đôi gân phụ nổi rõ. Cum hoa ở nách lá, có lông mịn màu đo đỏ. Quả hình trứng, hình cầu hay gần như bầu dục, khi chín nhẵn, vỏ quả mỏng, áo hạt nguyên hay hơi xẻ ở đỉnh. Hạt có vỏ mỏng và nhẵn.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
- Phân bố: Cây của miền Ðông Dương, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia. Ở nước ta cây mọc hoang ở khắp miền rừng núi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Thu hái vào tháng 9-10. Quả máu chó khi còn non có màu xanh, lúc về già có màu vàng, để lâu vỏ nứt làm 2 mảnh, phía trong có hạt mang áo hạt. Khi quả còn non áo hạt màu hồng nhạt, dính sát vào hạt, khi già áo hạt màu đỏ sẫm, bóc được dễ dàng. Hạt có dầu mùi hắc.
- Bộ phận dùng: Hạt – Semen Knemae.
- Thu hái: Mùa quả chín
- Chế biến: Khi dùng giã nhỏ, cho thêm ít muối rang đỏ lên rồi ép lấy dầu hoặc giã rồi nấu cho dầu nổi lên mà gạn lấy cũng được.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
- Tính vị: Vị chát, hơi the, tính ấm
- Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
- Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hoá học
Trong hạt máu chó có 7-10% độ ẩm, 1,5-2% chất vô cơ, 24-28% chất béo, 8% chất prôtit, 4-5% chất đường, 22-26% tinh bột, ngoài ra còn xenluloza và một số chất khác không xác định được và một số men như men invectaza, amylaza và photphataza.
Dầu hạt máu chó là một thứ dầu màu đỏ sẫm, mùi hắc, rất nhầy, tỷ trọng ở 26o là 0,94; chỉ số khúc xạ ở 26o là 1,483; chỉ số axit 90,2; chỉ số xà phòng 196,10; chỉ số Iốt 59,55; phần không xà phòng hóa được 1,14%. Trong phần không xà phòng hóa được có Phytosterol và lecxitin.
Tác dụng dược lý của cây máu chó
Hạt máu chó được nhân dân ta dùng làm chữa ghẻ. Trước đây làng Tiên Hội (Bắc Ninh) chuyên môn sản xuất một loại thuốc ghè nổi tiếng gọi là thuốc ghẻ Tiên Hội. Cách chế biến như sau: Giã chừng 100kg hạt máu chó, sẩy bỏ vỏ, lấy nhân giã cho nhuyễn, thêm muối đã rang thật khô chừng 10kg, trộn đều. Dùng chõ đồ như đồ xôi, dùng cây ép lấy dầu. Do cách ép thủ công, nên hiệu suất chừng 15-20%.
Khi dùng, người ta tắm cho thật sạch, gãi cho nốt ghẻ chảy máu rồi bôi nguyên dầu đó hoặc cho thêm vào dầu một ít dầu long não cho có mùi thơm và thêm tính chất sát trùng. Cần bôi thật mỏng, nếu dùng nhiều quá, có thể mưng nhiều hơn.
Còn một hình thức nữa dùng như sau: Cân chừng 50g hạt máu chó, giã thật nhỏ, sẩy bỏ vỏ, trộn với chừng 200ml rượu trắng (chừng 35-40%) đun sôi trên bếp than cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt thì thôi. Rửa nốt ghẻ cho bong vẩy, bôi ngay dầu còn hơi nóng, bôi thật mỏng, ngày hôm sau lại tắm thật sạch bằng xà phòng, bôi một lần nữa. Thường chỉ 3 lần là khỏi. Trị ghẻ ruồi rất công hiệu.
Cây máu chó và các bài thuốc chữa bệnh
1. Máu chó điều trị đau lưng, đau gối, mỏi cơ
Người già, người hay phải lao động nhiều hay mắc các bệnh về xương khớp, dây chằng thì việc mắc các bệnh về lưng, gối là rất dễ và thường hay bị tái phát. Cây máu chó có những thành phần chống viêm, tiêu sưng kết hợp cực kỳ hiệu quả. Sử dụng 16g huyết đằng kết hợp với 12gr mỗi loại gồm tục đoạn, xuyên khung, cẩu tích, dây đau xương. Đem sắc cùng 1 lít nước uống ngày 1 thang chia 3 lần. Sử dụng kiên trì khoảng 6 tháng sẽ cải thiện đáng kể chứng đau lưng, mỏi gối.
2. Huyết đằng chữa đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ăn uống kém
Các triệu chứng trên thường do làm việc quá sức, người bị thiếu máu lên não, không tuần hoàn hoặc huyết áp thấp, khí hư gây chóng mặt, đau đầu. Để trị cần dùng 16g máu chó, 20g bao gồm các loại cùng lượng Hà Thủ Ô đỏ, Đương Quy, Nhân Sâm, Thục Địa sắc với 1 lít nước lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang chia làm 3 lần uống trong vòng từ 3 – 5 ngày liên tục sẽ giúp cải thiện được chứng bệnh trên và ăn uống ngon miệng, ngủ ngon giấc, sâu giấc hơn.
3. Cây máu chó điều trị ghẻ ruồi, bệnh Hủi
Để điều trị ghẻ ruồi có thể làm theo cách đơn giản bằng cách dùng 50g hạt máu chó giã nhỏ, thêm khoảng 200ml rượu trắng đun lên. Cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt. Sau khi tắm sạch,và rửa những nốt ghẻ gãi cho bong vẩy. Dùng trực tiếp hỗn hợp từ hạt máu chó và rượu bôi lên khi còn nóng. Khi bôi lưu ý bôi thật mỏng. Thường chỉ sử dụng trong vòng 3 ngày là khỏi những vết ghẻ ruồi ngứa thông thường
4. Si đỏ chữa bệnh ngoài da như ghẻ, lở, chàm, bang
Các bệnh này không quá nguy hiểm nhưng để lâu dễ gây nhiễm trùng da, khó lành và để lại sẹo, khó chịu do ngứa ngáy nhất là ở trẻ em. Có 2 cách khi kết hợp với cây máu chó như:
- Cách 1: Thành phần dùng gồm hạt máu chó, quả bồ Hòn, củ đậu theo tỷ lệ 2:1:1. Đem tất cả đi giã nhỏ sau đó đun lên để tạo thành một thứ dầu hỗn hợp sền sệt để điều trị các bệnh ngoài da. Để hỗn hợp trên nguội lại sau đó chắt lấy nước bôi lên vùng da lở loét.
- Cách 2: Theo sách “Bách Gia Trân Tàng” ghi lại dùng hạt cây máu chó, hạt củ đậu và nghệ theo tỷ lệ 1:1:1 và ½ diêm sinh đem đi nghiền nhỏ sau đó ép hạt mè trộn đều và thoa lên vết thương, trầy xước hay lở sẽ chống viêm và lành vết thương nhanh chóng.
5. Điều trị bệnh phong, ngứa từ cây máu chó
bệnh này không phải do tác nhân bên ngoài mà cơ thể tự phát ban ngứa, không mẩn đỏ lỡ loét nhưng rất khó chịu, ngứa toàn người. Dùng 50g hạt máu chó giã nhỏ đun cùng 200ml rượu trắng, tốt nhất là rượu nếp trên 40 độ để được hỗn hợp sệt. Vệ sinh sạch sẽ toàn người và lau lại bằng nước muối pha loãng sau đó dùng trực tiếp hỗn hợp trên bôi khi còn nóng ấm. Bôi một lớp thật mỏng một ngày bôi 1 lần. Sử dụng khoảng 3 ngày sẽ có tiến triển. Nhưng để trị dứt điểm cần kiên trì khoảng 10 ngày đến 1 tháng.
6. Điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ
Việc hành kinh rối loạn, kinh ra nhiều quá hay ít quá, băng kinh luôn là vấn đề muôn thuở của phụ nữ. Sử dụng 16g huyết đằng, 10g ngưu tất, 6g nghệ vàng, 12g ích mẫu. Tất cả đem trộn đều sắc với khoảng 1 lít nước thành thuốc uống mỗi ngày một thang. Uống liên tục 5 – 10 ngày sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt, bổ máu. Đến ngày kinh bớt đau bụng hơn.
Trên đây là những thông tin về cây máu chó và bài thuốc chữa bệnh của nó. Có thể nói, huyết đằng chữa được nhiều bệnh nhưng đó chỉ là kinh nghiệm dân gian, chưa có cơ sở khoa học. Cho nên, người bệnh không nên lạm dụng, thay vào đó là khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!