Cây vải và 3 bài thuốc chữa đau bụng, tiểu đau, đau răng hiệu quả
Nội dung chính
Quả vải là loại trái cây hàng đầu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng chống ung thư, giúp bạn có làn da đẹp và suối tóc óng ả. Từ lâu, vải được dùng chữa đau bụng, tiểu đau, đau răng.
Tên gọi khác: Lệ chi hạch (hạt vải), Lệ chi nhục (cùi vài).
Tên khoa học: Litchi chinensis Sonn.
Họ: Bồ hòn (Sapindaceae)
Thông tin, mô tả cây vải
1. Đặc điểm thực vật
Cây gỗ cao 8-15m. Cành tròn, màu gụ. Tán lá rộng. Lá kép lông chim, 2-4 đôi lá chét cứng dai, đầu nhọn, gốc hơi tù, mặt trên sáng, mặt dưới thẫm. Hoa xếp thành hình chùy ở ngọn cành, có lông nâu, cuống hoa có đốt. Ðài hình đấu phân thùy nhẵn, có lông cả hai mặt. Không có tràng. Ðĩa vòng, phân thùy, nhẵn. Nhị 7-10, Bầu 2 ô, có lông. Quả hình trứng, vỏ sù sì, áo hạt dày bao gần hoàn toàn hạt; hạt màu nâu. Hoa tháng 2-3, quả chín từ tháng 5-7.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái, chế biến
Thu hái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Cây trồng khá phổ biến ở miền Bắc của nước ta để lấy quả ăn. Có 2 thứ; một thứ chín sớm hơn, quả hình trứng, khi chín màu đỏ, có vị hơi chua, hạt lớn, gọi là Vải; một thứ quả tròn hơn, hạt nhỏ hơn, khi chín màu vàng thẫm, áo hạt dày, ngọt, mát, trồng nhiều ở Hưng Yên gọi là Vải thiều.
Bộ phận dùng: Hạt – Semen Litchi, thường gọi là Lệ chi hạch. Còn dùng áo hạt của hạt vải (cùi vải) – Arillus Litchi, thường gọi là Lệ chi nhục.
Thu hái: Quả vào màu hạ.
Chế biến: Áo hạt dùng tươi hay sấy khô như long nhãn. Hạt rửa sạch, thái nhỏ tẩm nước muối sao (30%) hoặc đốt tồn tính hoặc đồ chín, thái mỏng, phơi hay sấy khô.
3. Tính vị, quy kinh, bảo quản
Tính vị: Hạt có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng hành khí tán kết, khư hàn chỉ thống. Cùi có vị ngọt chua, tính mát; có tác dụng mát phổi, bổ tỳ, khoan khoái, bớt bốc nóng, nặng đầu.
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát
4. Thành phần hóa học
Trong hạt có a-(methylenecyclopropyl)-glycine, saponosid, tanin. Áo hạt chứa đường và các aminoacid.
Trong hạt có Saponin, Tannin, a(Methylenecyclopropyl)-Glycine (Trung Dược Học).
Trong hạt cóa(Methylenecyclopropyl)-Glycine, Saponosid, Tanin. Áo hạt chứa đường và các Aminoacid (Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam).
Tác dụng dược lý của cây vải
Tác dụng nội tiết: tiêm dưới da a (Methylenecyclopropyl) – Glycine liều 60-400mg/kg cho chuột nhắt nhịn đói 24 giờ thấy đường huyết hạ, lượng Glycogen ở gan giảm rõ (Trung Dược Học).
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Hạt dùng chữa đau dạ dày, đau ruột non, đau tinh hoàn. Ngày dùng 6-20g dạng thuốc sắc. Cùi vải dùng chữa khát nước, mệt, có hạch ở cổ. Ngày dùng 5-10g dạng thuốc sắc. Vỏ cũng được dùng chữa ỉa chảy và đau bụng đi ngoài.
Ở Ấn Độ, lá được dùng trị các vết cắn của động vật.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây vải
1. Cây vải chữa đau bụng khi hành kinh hay sau khi đẻ
Hạt Vải đốt tồn tính (không để cháy thành than) 20g. Củ gấu (Hương phụ) sao 40g tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước muối nhạt hay nước cơm. Ngày uống 2-3 lần.
2. Chữa đái sưng đau từ cây vải
Hạt vải, hạt Quýt, Thanh bì (bỏ ruột), hoa Hồi, lượng bằng nhau, sao, tán bột, uống mỗi lần 8g với rượu. Hoặc dùng hạt đốt tồn tính thành than, tán bột, uống với rượu.
3. Cây vải chữa răng sưng đau có sâu
Quả vải xanh để cả vỏ đốt tồn tính, tán nhỏ, xát vào chân răng. Hoặc dùng nhân hạt sấy khô, tán bột, xát vào răng bị đau, nhiều lần trong ngày (theo Nam dược thần hiệu).
Lưu ý khi dùng cây vải chữa bệnh
Ăn nhiều vải dễ gây nóng trong người như khô môi, đau họng, chảy máu cam, nhiệt miệng, mụn nhọt… Những người dị ứng với vải thường có biểu hiện chóng mặt, tiêu chảy…
Những người bị thủy đậu, cảm và ho đờm không nên ăn vải. Bên cạnh đó, những người bị bệnh tiểu đường, Lupus hoặc viêm khớp dạng thấp cũng cần cân nhắc lượng vải khi ăn để tránh làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra, những người sắp phẫu thuật cũng nên ngưng ăn vải trước 2 tuần.
Trẻ em không nên ăn nhiều vải khi bụng đói, nhất là những quả chưa chín.
Bên cạnh cùi quả và hạt, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ vỏ quả vải thiều còn có chức năng chống oxy hóa mạnh mẽ cũng như phòng chống ung thư.
Xem thêm: Củ nâu (củ niềng) và 7 bài thuốc chữa gãy xương, kiết lỵ, liệt nửa người, sản hậu… hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!