Cây huyết đằng với 10 bài thuốc trị xương khớp (đau mỏi lưng, đau thần kinh tọa), khí hư, rối loạn kinh nguyệt và một số bệnh khác
Nội dung chính
Huyết đằng là cây thuốc quý dạng thân leo, sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Cây có điểm đặc biệt là khi cắt đôi thân cây thì nhựa chảy ra có màu đỏ giống máu. Vì thế, đây là loại cây rễ dễ nhận biết.
- Tên gốc: Milletia reticulata Benth
- Tên gọi khác: Thuyêt đằng, Hoạt huyết đằng, Đại Hoạt Đằng, Hồng Đằng , Huyết Phong Đằng, Mã Nhung Đằng, Tử Ngạnh Đằng, Trư Huyết Đằng, Cửu Tằng Phong, Kê huyết đằng
- Tên khoa học: Milletia reticulata Benth
- Tên tiếng Anh: Milletia reticulata Benth
Mô tả cây Huyết đằng
1. Đặc điểm của cây huyết đằng
Huyết đằng là một loại cây dây leo, thân dài tới 10m. Vỏ bên ngoài của cây có màu nâu nhạt. Khi cắt đôi thân cây ra ta sẽ thấy nhựa cây chảy ra có màu đỏ, giống với máu người, vì thế nên được gọi là “huyết đằng”.
Lá cây mọc kép, so le với 3 lá chét, cuống lá dài 4.5-10cm. Tuy nhiên, lá chét ở giữa thì cuống ngắn còn lá chét 2 bên lại không có cuống. Phiến của lá chét có hình trứng, lá chét ở 2 bên dài 7-11cm, rộng 3.5-6.4cm, có hình quả thận. Mặt trên lá màu xanh, mặt dưới màu xanh nhạt.
Hoa huyết đằng là hoa đơn tính, khác gốc và mọc thành từng chùm dưới kẽ lá. Cụm hoa có thể dài tới 14cm, mọc thõng xuống dưới. Hoa có 2 loại, hoa đực màu vàng xanh với 5 lá đài, 6 cánh tràng hình sợi và có 6 nhị; trong khi đó, hoa cái gần giống với hoa đực nhưng có nhiều lá noãn và có bầu thượng. Hoa thường nở vào cá tháng 3-4 hàng năm.
Quả của cây huyết đằng mọc dài, hình trứng khoảng 8-10cm, có màu lam đen khi chín. Quả thường có vào các tháng 7-8 hàng năm.
2. Phân bố, bộ phận dùng, thu hái và chế biến cây huyết đằng
Cây huyết đằng được tìm thấy ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Ở nước ta, huyết đằng thường mọc ở những vùng núi phía Nam như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên. Ngoài ra, ở các vùng núi phía Bắc cũng bắt gặp cây này như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang,…
Cây huyết đằng là cây thuốc quý từ lâu đã được sử dụng để làm dược liệu chữa nhiều bệnh. Bộ phận được sử dụng nhiều nhất của loại cây này để làm thuốc đó là thân cây.
Huyết đằng có thể thu hái quanh năm, tuy nhiên để giữ được dược tính tốt nhất thì nên thu hái vào mùa thu (tháng 8-10 hàng năm).
Chế biến cây huyết đằng làm thuốc không khó. Đầu tiên, chặt cây thân leo về bỏ hết cành và lá, để đó vài ngày cho nhựa chảy ra hết, sau đó rửa sạch, chặt khúc (thái phiến mỏng) sau đó đem phơi khô và bảo quản trong túi bóng cẩn thận.
3. Tính vị, quy kinh của cây huyết đằng
Huyết đằng có vị ngọt, đắng, tính ôn đi vào kinh Tâm, Tỳ, Can, Thận có tác dụng bổ trung, táo vị, bổ huyết, thông kinh lạc, mạnh gân cốt, chỉ thống, hoạt lạc. Từ đó, người ta dùng cây này hỗ trợ trị các chứng đau lưng, mỏi gối, tê bì chân tay, kinh nguyệt không đều, khí huyết suy kém,..
4. Dược tính và thành phần hoá học trong cây huyết đằng
Dược tính kê huyết đằng có các dược tính như:
- Tác dụng lên tim mạch: Được áp dụng hạ huyết áp trên chó và thỏ, làm ức chế tim ở ếch
- Kháng viêm: Áp dụng trên chuột giảm viêm khớp gây ra bởi Formadehyde
- Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Áp dụng trên chuột để giảm đau, an thần bằng cách tiêm huyết đằng vào bụng.
- Tác dụng đối với sự chuyển hóa Phosphate: Thí nghiệm trên chuột nhắt, kết quả thấy sự chuyển hóa Phosphate trong thận và tử cung của chuột.
- Độc tính: Tiêm lượng huyết đằng lớn vào tĩnh mạch động vật gây ra chết.
Thành Phần Hóa Học
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh trong cây huyết đằng có rất nhiều thành phần hóa học, chẳng hạn như: Milletol, Glucozit, Tannin, chất nhựa, Daucosterol, Friedelan-3-Alpha-Ol, Beta Sitosterol, Formononetin, Ononin,Prunetin, Daidzein, Cajanin, 7-Oxo-Beta-Sitosterol, 3,7-Dihydroxy-6-methoxy-dihydroflavonol, Afrormosin, Epicatechin, 2’, 4’, 3, 4-tetrahydroxy chalcone, Licochalcone, Isoliquiritigenin, Medicagol, 9-Methoxycoumestrol, Protocatechuic acid,
Ngoài ra, trong rễ cây còn có Stigmast-5-ene-3 Beta-7 Alpha-Diol), 6 Alpha-Diol, 5 Alpha-Stigmastane-3 Beta. Đây đều là những chất có ý nghĩa đối với sinh học và được sử dụng trong bào chế thuốc.
Cây huyết đằng chữa bệnh gì?
Cây huyết đằng chủ trị các chứng khí huyết ứ trệ, đau nhức xương khớp, chấn thương tụ máu, thống kinh, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, cây này còn được sử dụng để chữa đau bụng kinh, bệnh phong thấp, bệnh giun đũa, giun kim.
Bài thuốc chữa bệnh xương khớp
1. Cây huyết đằng chữa đau lưng, mỏi gối
- Nguyên liệu: kê huyết đằng, tỳ giải, rễ trinh nữ, ý dĩ (mỗi loại 16gr); cỏ xước (12gr); quế chi, rễ lá lốt, thiên niên kiện (mỗi loại 8gr); trần bì (6gr).
- Cách dùng: Cho các vị thuốc vào sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, sau một thời gian các triệu chứng đau lưng, mỏi gối sẽ hết.
2. Chữa phong tê thấp (viêm khớp dạng thấp) và nhức mỏi gân xương
- Nguyên liệu: kê huyết đằng, thổ phục linh, hy thiêm, rễ vòi voi (mỗi loại 16gr); sinh địa, ngưu tất (mỗi loại 12gr); nam độc lực, rễ cây cúc ảo, rễ cà gai leo, huyết dụ (mỗi loại 10gr).
- Cách dùng: Cho các vị thuốc vào sắc với nước uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.
3. Chữa đau dây thần kinh toạ
- Nguyên liệu: kê huyết đằng (20gr); ngưu tất, đào nhân, hồng hoa, nghệ vàng (mỗi loại 12gr); nhọ nồi (10gr); cam thảo (4gr).
- Cách dùng: Cho các vị thuốc vào sắc với 400ml nước, đun đến khi nước cạn chỉ còn 100ml, chia nước thuốc làm 2 lần uống trong ngày.
4. Trị đau nhức tứ chi
- Nguyên liệu: kê huyết đằng, ngũ gia bì hương, uy linh tiên, độc hoạt, tang chi (mỗi loại 10-12gr)
- Cách dùng: Cho các vị thuốc vào sắc với nước uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.
Tìm hiểu thêm: Bài thuốc chữa bệnh xương khớp bằng cây độc hoạt
Bài thuốc trị bệnh phụ khoa (khí huyết hư, rối loạn kinh nguyệt)
1. Trị khí huyết hư, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
- Nguyên liệu: Huyết đằng (16gr); đương quy, thục địa, hà thủ ô (mỗi loại 12gr); nhân sâm (10gr)
- Cách làm: Cho các vị thuốc vào sắc nước uống, chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày, uống thuốc khi còn nóng, mỗi ngày 1 thang, uống liên tục trong 3-5 ngày.
2. Chữa rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều
- Nguyên liệu: Cây huyết đằng (16gr); ích mẫu (12gr); ngưu tất (10gr), nghệ vàng (6gr)
- Thực hiện: Cho các vị thuốc vào sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang, sử dụng liên tục từ 5-10 ngày.
Tìm hiểu thêm: Bài thuốc chữa đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt bằng cây thiên niên kiện
Bài thuốc trị một số bệnh khác từ cây huyết đằng
1. Chữa giun ở trẻ em
- Nguyên liệu: Huyết đằng, hồng thạch nhĩ (mỗi loại 15gr)
- Cách dùng: Cho hai nguyên liệu nghiền thành bột, trộn với đường trắng cho trẻ uống.
2. Chữa viêm ruột thừa ở giai đoạn đầu
- Nguyên liệu: Huyết đằng (30gr); liên kiều, hoa địa đinh, kim ngân hoa (mỗi loại 15gr); một dược, nhũ hương, diên hồ, đơn bì (mỗi loại 10gr); cam thảo (5gr).
- Cách dùng: Cho các vị thuốc vào sắc nước uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang.
3. Tác dụng trị đau dạ dày
- Nguyên liệu: Kê huyết đằng (16-20gr)
- Cách làm: Cho huyết đằng vào sắc nước uống hàng ngày. Hoặc có thể ngâm với rượu, nấu thành cao đều được.
Tìm hiểu thêm: Bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày bằng lá khôi tía
Giúp chữa cơ thể suy yếu, đổ mồ hôi trộm
- Nguyên liệu: huyết đằng tươi (900gr), trứng gà (1-2 quả)
- Cách dùng: Cây huyết đằng rửa sạch, sắc lấy nước, sau đó, lấy nước huyết đằng nấu với trứng gà như canh. Kiên trì ăn trong 5-7 ngày.
Những lưu ý khi sử dụng cây huyết đằng trong điều trị bệnh
Cây huyết đằng có nhiều tác dụng đối với việc điều trị bệnh. Tuy nhiên trong cây này có chứa độc tố (hàm lượng nhẹ), vì thế khi sử dụng huyết đằng cần lưu ý một số điều sau:
- Không sử dụng huyết đằng cho người mang thai
- Không sử dụng với liều lượng quá nhiều, không quá lạm dụng vào thuốc
- Nhiều người sử dụng huyết đằng giảm cân, tuy nhiên chưa cơ một cơ sở nào về bài thuốc này nên tuyệt đối không sử dụng.
Bạn đã bao giờ sử dụng cây Huyết Đằng trong bài thuốc chữa bệnh bao giờ chưa? Bạn đã sử dụng bài thuốc nào từ cây Huyết Đằng? Hãy chia sẻ bài thuốc đó với chúng tôi trong khung bình luận bên dưới, cùng Thông Tin Thuốc chia sẻ thông tin hữu ích đến với mọi người. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!